Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Tám điều người mua nhà cần chú ý về người môi giới của mình

Theo Khóa học bất động sản tại Trường IEFA - 131 Cô Bắc - www.daihochcm.edu.vn

Môi giới bất động sản về bản chất là bên thứ ba đứng giữa hai bên mua và bán nhằm thúc đẩy cuộc giao dịch đi tới điểm “chốt”. Nguyên tắc quan trọng nhất của một nhà môi giới là đảm bảo cuộc giao dịch minh bạch và công bằng cho hai bên. Tuy nhiên, bên cạnh những nhà môi giới chuyên nghiệp cũng có không ít những kẻ vì lợi ích của bản thân mà lấp liếm thông tin nhằm dẩy cuộc giao dịch đi tới kết quả nhanh nhất có thể.

Mục đích của nhà môi giới bất động sản là thúc đẩy cuộc giao dịch bất động sản đi tới thành công. Để đạt được mục đích này, những nhà môi giới bất động sản sẽ rất chủ động trong việc trao đổi thông tin về bất động sản và những vấn đề liên quan tới bất động sản đó. Một nhà môi giới chuyên nghiệp luôn có những quy tắc làm việc cụ thể và để tạo sự công bằng cho hai bên giao dịch.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại không ít những môi giới chất lượng kém, vì khoản hoa hồng “béo bở” đã không ngừng che giấu thông tin, thậm chí tư vấn thông tin sai lệch để hoàn thành giao dịch nhanh nhất có thể.

Có một số điều sau mà những môi giới thiếu đạo đức nghề nghiệp này biết nhưng không bao giờ chủ động đề cập với bạn.

1. Người môi giới bất động sản làm việc cho bên bán

Trong một số giao dịch, môi giới bất động sản không đại diện cho người mua, nhưng người mua lại luôn nghĩ họ đại diện cho mình. Trên thực tế, người thuê họ và trả tiền hoa hồng cho họ lại chính là bên bán. Họ đại diện cho lợi ích của bên bán và vì lợi ích của bên bán mà tận tâm với bên mua.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn nhà môi giới làm việc cho mình, bạn có thể thuê riêng một người và hứa trả hoa hồng cho họ.

2. Người môi giới ưu tiên nhất là việc bán được nhà

Đối với những nhà môi giới chuyên nghiệp, họ luôn coi trọng uy tín, vì vậy họ sẵn sàng từ bỏ lợi ích để giữ sự minh bạch và công bằng giữa hai bên mua bán. Tuy nhiên, hiện nay có không ít những nhà môi giới “ăn xổi”, họ không có định hướng lâu dài về nghề nghiệp nên họ có thể bất chấp thủ đoạn để thu lợi trong số lần giao dịch ít ỏi của mình.

Với con mắt “nhà nghề”, đôi khi nhà môi giới hoàn toàn có thể nhận ra khuyết điểm của một dự án, ví dụ như thiếu kế không thông thoáng, ví dụ như view không đẹp, hay thiết kế này sẽ để lại hậu quả gì trong tương lai vài năm nữa,… tuy nhiên, họ không dại gì mà nói với bạn. Ngược lại họ ra sức biến những nhược điểm thành ưu điểm và khiến bạn dần dần bị thuyết phục, ký hợp đồng rồi tự xoay sở hậu qủa. Còn họ, nhận hoa hồng và giao dịch kết thúc, “ăn xổi” thì không cần uy tín.

3. Người môi giới đôi khi chỉ đóng vai trò như nhân viên bán hàng siêu thị - đừng cố mặc cả về giá

Điều này rất rõ ràng, nhất là đối với những dự án chung cư, giá do chủ đầu tư hoặc chủ nhà quyết định dựa trên xu hướng thị trường và quy định của pháp luật. Chủ đầu tư đã giao cho họ một danh sách giá từng căn hộ với độ tỉ mỉ tới vài nghìn đồng, họ không thể tự ý thay đổi vì vậy đừng cố gắng “mặc cả” với họ.

Nếu tài chính dành cho việc mua căn hộ eo hẹp thì bạn có thể lựa chọn căn hộ giống như vậy ở tầng khác, vì dù chỉ khác nhau vài tầng nhà nhưng giá lại chênh nhau rất nhiều. Thậm chí lựa chọn căn hộ có diện tích và thiết kế khác.

4. Kiểm tra qui hoạch và pháp lý của bất động sản tại cơ quan chức năng

Nếu bạn không gặp được một nhà môi giới chuyên nghiệp, cũng không phải bạn bè hoặc người thân của nhà môi giới thì bạn đừng mong họ cảnh báo nếu vùng đất bạn định mua nhà sắp bị quy hoạch. 

Dù bạn có người trung gian lo từ A đến Z cho bạn nhưng đừng bao giờ có tâm lý ỷ lại. Hãy chủ động nắm bắt thông tin, hãy chủ động vận dụng những mối quan hệ cùng sự góp ý của những người bạn tin tưởng, hãy gọi điện nhờ một vài chuyên gia giúp đỡ… bạn cần phải lường trước mọi nguy cơ đối với căn nhà trước khi đưa ra quyết định mua.

Đừng quá tin cậy vào người môi giới để hối hận cả đời.

5. Cẩn thận với chất lượng căn nhà bạn định mua

Cần nhắc lại một lần nữa, mỗi nhà môi giới dù chuyên nghiệp hay không cũng đều có “con mắt nhà nghề”, dù ít dù nhiều. Họ có khả năng nhìn được một vài vấn đề về chất lượng căn nhà mà bạn không nhìn thấy.

Tuy nhiên, những nhà môi giới “ăn xổi” sẽ không cảnh báo bạn điều đó, họ chỉ nói những ưu điểm và lấp liếm những khuyết điểm rồi nhân lúc bạn đang bị “chìm” trong những lời lẽ hoa mỹ mà “chốt” ngay hợp đồng mua bán.

Lời khuyên dành cho bạn là nên mời một chuyên gia hoặc kỹ thuật viên có kinh nghiệm đi xem nhà cùng bạn, họ có thể đưa ra những cảnh báo về chất lượng ngôi nhà bạn đang xem.

6. Đọc kỹ trước khi ký hợp đồng mua bán

Hợp đồng mua bán thường có rất nhiều điều khoản mà bạn cần chú ý, như diện tích chung, riêng, diện tích thông thủy, tim tường, giá dịch vụ, quyền lợi, nghĩa vụ, phạt quá hạn,… ngoài ra còn một số cái bẫy trong hợp đồng do chủ đầu tư soạn ra có thể khiến bạn hối hận về sau.

Vì vậy, bạn nên xem xét kỹ hợp đồng, nếu cẩn thận hơn, bạn có thể mời chuyên gia hoặc luật sư để xem xét kỹ hợp đồng của bạn. Còn nhà môi giới thì hoặc là không lường đến những cái bẫy, hoặc là sẽ không nói với bạn đâu, họ cần phải bán nhà và hoàn thành chỉ tiêu của riêng họ, đợi bạn xem kỹ hợp đồng thì rất là “sốt ruột”.

7. Chi tiết hóa điều khoản bảo hành

Một người mua thông minh sẽ rất cẩn thận với những điều khoản bảo hành có trong hợp đồng, họ không nên cảm thấy an toàn khi thấy thời gian bảo hành được ghi rõ ràng trong hợp đồng. Bởi những điều khoản đó thường được chủ nhà hoặc chủ đầu tư soạn ra rất “khéo”, và phí sửa nhà nếu có vấn đề xảy ra trong thời gian bảo hành có thể lại chính là tiền của bạn.

Vậy nên, một lần nữa nhấn mạnh, bạn cần tham khảo ý kiến của luật sư và chuyên gia trước khi ký kết HĐMB.

8. Xem xét thật kỹ chủ quyền của bất động sản

Rất nhiều trường hợp cầm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà trong tay nhưng chưa chắc bạn có thể hoàn toàn yên tâm về quyền sở hữu căn nhà của mình, có một số vấn đề liên quan tới tiền sử dụng đất hay tranh chấp nội bộ, mâu thuẫn của chủ nhà về quyền sở hữu căn nhà vẫn chưa được giải quyết… những vấn đề này rất nhiều, cũng rất khó để tìm hiểu.

Thậm chí, nhà môi giới của bạn cũng không lường trước việc này. Bên cạnh đó những vấn đề tranh chấp ngầm trong nội bộ, hoặc những bất cập liên quan đến chủ căn nhà, nguyên nhân bán nhà…bạn có mời luật sư đến cũng khó mà lường được hết. Bạn chỉ có thể tìm hiểu thông qua những người xung quanh căn nhà hoặc quan sát kỹ càng một thời gian trước khi đưa ra quyết định mua.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét