Thứ Tư, 17 tháng 4, 2019

Thị trường bất động sản 2019 phát triển ổn định

Tại buổi công bố Báo cáo Thị trường Bất động sản quý 1/2019 của Batdongsan.com.vn, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, cho biết trái với những lo ngại về sự kết thúc giai đoạn tăng trưởng của thị trường bất động sản, trong tương lai gần, thị trường sẽ tiếp tục phát triển ổn định và bất động sản vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng.

Thị trường tiếp tục ổn định

Theo ông Quốc Anh, giống như nền kinh tế Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam còn khá non trẻ. Sự vận động của thị trường từ năm 2001-2018 cho thấy những biến động liên tục với 3 chu kỳ lên xuống. Theo đó, thị trường bắt đầu nóng sốt vào giai đoạn 2001-2002, thời gian tăng trưởng kéo dài được 2 năm. Bắt đầu từ năm 2002 đến 2006, thị trường rơi vào trạng thái đóng băng do nhà nước đưa ra hàng loạt chính sách nhằm ổn định và minh bạch thị trường. Năm 2003, Luật Đất đai được ban hành. Nghị quyết 181 đã chấm dứt tình trạng phân lô bán nền. Dòng vốn đầu tư đã chuyển dần từ bất động sản sang thị trường chứng khoán.


Giai đoạn 2007-2008, thị trường tiếp tục nóng sốt lần 2. Đỉnh của thị trường rơi vào tháng 3/2007. Nguyên nhân cơ bản xuất phát từ các tín hiệu tích cực của nền kinh tế như Việt Nam gia nhập WTO (2007), sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và thị trường BĐS đón dòng vốn thặng dư rất lớn từ chứng khoán. Tuy nhiên, sau đó thị trường lại rơi vào suy thoái và đóng băng bắt đầu từ năm 2009 đến 2013. Trong giai đoạn này, tỉ lệ lạm phát và nợ xấu cao kéo giảm đáng kể giá trị và số lượng giao dịch BĐS. Một trong những nguyên nhân là từ tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu do nợ dưới chuẩn từ thị trường Mỹ.

Thị trường bắt đầu hồi phục kể từ nửa cuối năm 2014 và duy trì tốc độ phát triển ổn định cho đến nay. Trong giai đoạn này, thị trường vẫn đang tăng trưởng tốt nhờ các tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô với GDP tăng, lạm phát được kiểm soát tốt. Luật kinh doanh Bất động sản ra đời, mở rộng cơ hội cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Hàng loạt loại hình bất động sản mới gia nhập thị trường, như: officetel, condotel, shophouse, bất động sản công nghiệp. Chu kỳ hiện nay của thị trường BĐS dài hơn so với 2 chu kỳ trước đây.

Từ cuối năm 2018, khá nhiều người lo ngại đến năm 2019 thị trường bất động sẽ lặp lại chu kỳ và bước vào thời kỳ ngừng tăng trưởng. Tuy nhiên, theo ông Quốc Anh, chu kì của thị trường không nhất thiết phải là 5 năm hay 10 năm mà hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế, của thị trường. Hiện nền kinh tế toàn cầu đang có chu kỳ tăng trưởng dài hơn trước đây, kéo dài kể từ 2010 và được IMF dự báo vẫn đang trên đà tăng trưởng ổn định, Việt Nam cũng đang đạt được rất nhiều chỉ số ấn tượng về kinh tế. Ở khía cạnh thị trường, dữ liệu nghiên cứu từ Batdongsan.com.vn cho thấy thị trường BĐS hoàn toàn chưa có dấu hiệu đáng lo ngại.

Tín hiệu tích cực từ các con số

Thực tế cho thấy, trong quý 1, thị trường bất động sản vẫn duy trì mức độ tăng trưởng ổn định. Mức độ quan tâm và tin đăng bất động sản trên Batdongsan.com.vn đang tăng trưởng tích cực. Trong quý 1/2019, lượng tin đăng tăng 45% so với cùng kỳ năm 2018. Cũng trong quý 1/2019, mức độ quan tâm tới các loại hình bất động sản Việt Nam đạt mức tăng trưởng 115%, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Tại các tỉnh thành, lượt tìm kiếm bất động sản cũng có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, so với cùng kỳ 2018, Hà Nội tăng 12%, TP.HCM tăng 18%, Đà Nẵng và Nha Trang tăng 17%, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An tăng khoảng 18%.

Đáng chú ý, mức độ quan tâm của người dùng đối với các loại hình bất động sản đều có xu hướng tăng. Theo đó, đất thổ cư, đất nền dự án tăng 20% so với cùng kì năm 2018, mức tăng với chung cư và nhà riêng lần lượt là 27% và 4%. Từ quý 4/2018 đến quý 1/2019, giá bất động sản Hà Nội tăng 2,4%.

BĐS vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng

Cũng tại buổi báo cáo, ông Quốc Anh cho biết tổng nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng 86%. Nguồn vốn này tăng mạnh nhờ thương vụ Beerco Limited mua lại công ty Vietnam Beverage (VietBev) với giá 3,85 tỷ USD. FDI tác động mạnh vào thị trường bất động sản theo 3 góc độ.

Trước hết, FDI đổ vào xây dựng nhà máy, tất yếu tác động đến bất động sản công nghiệp; Thứ hai, các công ty mở rộng văn phòng ở Việt Nam, tác động đến nhu cầu cho thuê bất động sản (nhà ở và văn phòng); Thứ ba, FDI đầu tư trực tiếp vào bất động sản thương mại, kích thích sự phát triển của phân khúc này.

Trong tương lai, theo ông Quốc Anh, bất động sản tiếp tục là kênh đầu tư hiệu quả. Bất động sản Hà Nội và Tp.HCM vẫn là điểm đến lý tưởng của dòng vốn đầu tư. Hiện thị trường có rất nhiều kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, ngoại tệ. Tuy nhiên, bất động sản là kênh đầu tư có nhiều biến động nhất. Cụ thể, trong vòng 16 năm, giá nhà tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tăng 27 lần, quận 1 (TP.HCM) tăng 22 lần, trong khi giá vàng chỉ tăng 5 lần.

Một câu hỏi cần đặt ra là với mức tăng ấn tượng như vậy, liệu giá nhà đã chạm đến điểm giới hạn hay chưa? Theo các nhà đầu tư nước ngoài, đây là giai đoạn chỉ được mua và giữ lại, không nên bán vì giá nhà tại Hà Nội hay Tp.HCM chưa chạm đến đỉnh. Ông Quốc Anh cho biết hiện giá nhà tại Hà Nội là khoảng 2.000USD/m2, TP.HCM là 2.400 USD/m2. Con số này thấp hơn so với các nước trong khu vực, như Băng Cốc (Thái Lan) là 4.900USD/m2, Singapore là 16.000 USD/m2. Như vậy, giá nhà tại các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay đang thấp so với các nước khu vực và hoàn toàn có dư địa tăng giá cao trong tương lai.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét